Lịch sử hình thành

Giai đoạn 1: Trường SP cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo

Tháng 5 năm 1959, nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bác Hồ và Đoàn công tác của Chính phủ lên thăm Tây Bắc. Gặp gỡ, nói chuyện với đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc tại sân vận động huyện Thuận Châu, thủ phủ của khu Tây Bắc ngày đó, Bác đã căn dặn các cán bộ trong Đoàn và lãnh đạo Khu phải quan tâm đẩy mạnh công cuộc giáo dục vùng cao, phải mở trường để con em các đồng bào có nơi để học tập, đem ánh sáng tri thức tới giúp đồng bào thoát khỏi đói nghèo lạc hậu.

Thực hiện lời dạy của Người, ngày 30/6/1960, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký ban hành Quyết định số 267/QĐ về việc thành lập các Trường Sư phạm cấp II liên tỉnh, trong đó có Trường Sư phạm cấp II đặt tại Khu Tự trị Thái - Mèo. Đây là một Quyết định có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội cho các tỉnh Tây Bắc. Sự ra đời của Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái Mèo không chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo tại chỗ đội ngũ giáo viên cấp II cho các tỉnh Tây Bắc, mà còn đặt nền móng cho sự ra đời của một trường đại học ở khu vực Tây Bắc sau này. Ngày đầu thành lập, Trường chỉ có 12 giáo viên, được Bộ Giáo dục điều động từ dưới xuôi lên. Đó là các thầy: Đỗ Mộng Bảo (Toán), Trần Kiều (Toán), Lê Kỳ Huân (Văn), Hoàng Thiện Hùng (Văn), Trần Phương Thịnh (Địa), Đoàn Phùng (Sử), Vũ Tự Hùng (Hoá), Trịnh Đình Toán (Sinh), Đặng Thọ Nhân (Lý), Lê An (Giáo dục), Cao Thiệp (Chính trị), Võ Lương (Thể dục), do thầy Đỗ Mộng Bảo phụ trách. Lễ công bố quyết định thành lập Trường được tiến hành vào tháng 10 năm 1960, tại Khu học xá Tây Bắc (thuộc Châu Mường La, tỉnh Sơn La, nay là khu vực Khách sạn Công đoàn, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La).

Từ năm 1960 đến năm 1964, Trường chỉ đào tạo giáo viên cấp II trình độ (7+2) Tự nhiên và Xã hội. Đến năm học 1964 – 1965, Trường bắt đầu đào tạo giáo viên (7+3) hai ban: Tự nhiên, Xã hội, rồi sau đó là bốn ban: Toán – Lý, Sinh – Hóa, Văn – Sử, Địa – Sinh.

Từ năm học 1972 – 1973, Trường bắt đầu đào tạo giáo viên (10+3). Tên trường cũng được đổi thành Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc. Chất lượng đầu vào của Trường đã được nâng lên, đội ngũ giáo viên giỏi cũng được Bộ Giáo dục điều động bổ sung, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cho Trường xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Phong trào tự học nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ giai đoạn này được tất cả giáo viên, cán bộ hưởng ứng nhiệt liệt, góp phần tích cực nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ hiện có. Đồng thời đó cũng là tiền đề để từ năm học 1978 – 1979 trở đi, hàng năm, Nhà trường đã cử nhiều thầy cô giáo đi học cao học, nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài, chuẩn bị đội ngũ cho bước phát triển nhảy vọt sau này.


Giai đoạn 2: Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc

Căn cứ vào nhu cầu phát triển văn hoá, giáo dục của khu vực Tây Bắc, căn cứ vào những thành tích, cống hiến và thực lực của Nhà trường, được sự quan tâm ủng hộ của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Bắc, được Bộ Giáo dục đề nghị, ngày 6 tháng 4 năm 1981, Chính phủ đã ra quyết định 146/QĐ – CP do Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Tố Hữu ký, nâng cấp Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc thành Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc.

Trong 20 năm, với vai trò của một trường cao đẳng sư phạm, Trường đã đào tạo bồi dưỡng được 4.219 giáo viên THCS và Tiểu học có trình độ CĐSP. Đó là những nhân lực chất lượng cao, góp phần quyết định mở rộng trường lớp và tăng cường chất lượng giáo dục phổ thông ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và các tỉnh Bắc Lào.


Giai đoạn 3: Trường Đại học Tây Bắc

Bằng sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của tập thể Nhà trường và để đảm bảo sự bình đẳng giữa các vùng miền trong cả nước, ngày 7/5/1998, Chính phủ đã có Thông báo số 98/TB-VPCP, đồng ý về chủ trương thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Sau đó, nhiều cuộc Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, với sự tham gia của nhiều Bộ, Ban, Ngành Trung ương, của các địa phương khu vực Tây Bắc đã được triển khai để bàn về phương án thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Và ngày 23 tháng 3 năm 2001, Chính phủ đã ra Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký, về việc thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc.

Quyết định thành lập Trường Đại học Tây Bắc của Chính phủ đã hiện thực hoá ý tưởng thành lập trường đại học cho khu vực Tây Bắc của thế hệ lãnh đạo Nhà trường từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Sự ra đời của Trường Đại học Tây Bắc là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị, văn hoá, giáo dục của các tỉnh Tây Bắc và của cả nước. Lần đầu tiên trên mảnh đất miền Tây Bắc Tổ quốc có một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học ở trình độ cao, đáp ứng được ước vọng bao đời của nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Từ đây, con em các dân tộc, cán bộ và nhân dân Tây Bắc có một địa chỉ tin cậy ở ngay quê hương Tây Bắc, để đến học tập, bồi dưỡng đạt trình độ cao.

Đến nay, Trường đã mở được 06 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ, 25 ngành đào tạo trình độ đại học và 02 ngành đào tạo trình độ cao đẳng thuộc các khối ngành: Sư phạm, Nông Lâm nghiệp, Du lịch, Công nghệ Thông tin, Quản lý Kinh tế, Quản lý tài nguyên và môi trường. Nhà trường có 01 trường phổ thông thực hành ở trong Trường.

Năm học 2019-2020, quy mô đào tạo của toàn Trường là 5.558 học sinh, sinh viên và học viên trong đó có khoảng: 3500 học viên và sinh viên hệ chính quy, 1400 học viên hệ vừa làm vừa học; 658 học sinh phổ thông, dự bị Tiếng Việt, 834 lưu học sinh của nước bạn Lào. Tỷ lệ học viên và sinh viên là người dân tộc thiểu số đạt 77%.

Tính từ năm 2001 đến năm 2020, Nhà trường đã đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng hệ chính quy cho 5.973 sinh viên; công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy cho 17.331 sinh viên; công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng hệ vừa làm vừa học cho 2.368 học viên; công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ vừa làm vừa học cho 15.402 học viên; đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng thạc sỹ cho 322 học viên; liên kết với các trường đại học lớn trong nước đào tạo và cấp bằng thạc sỹ một số ngành học mà các tỉnh Tây Bắc có nhu cầu được 1.638 học viên.

Từ năm 2010 trở về trước 100% học viên và sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp ra Trường đã tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Kết quả khảo sát đến năm 2020 cho thấy 85% học viên và sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp ra Trường đã tìm được việc làm phù hợp.

Trường Đại học Tây Bắc đang ngày càng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, đội ngũ, tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất, mở rộng phạm vi tuyển sinh và ngành tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, kết nối và phục vụ cộng đồng nhằm hoàn thành trọng trách mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó.

Share for UTB