Tin tức hoạt động

Căn cứ Kế hoạch năm học 2023 – 2024 và nhu cầu của các bên liên quan, vào hồi 14h ngày 26/12/2023, tại Phòng họp 4, Trường Đại học Tây Bắc, Khoa Khoa học Xã hội đã tổ chức buổi seminar cấp Trường “Sự chế định của ngôn ngữ đối với văn chương”. Buổi seminar được thực hiện với mục đích tổ chức sinh hoạt học thuật và tạo diễn đàn trao đổi các vấn đề khoa học thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn giữa giảng viên Khoa Khoa học Xã hội với giáo viên giảng dạy và học sinh đội tuyển quốc gia môn Ngữ văn tỉnh Sơn La.

Ảnh 1: TS. Đỗ Hồng Đức phát biểu gợi dẫn seminar

Tham dự chương trình, về phía Trường Đại học Tây Bắc có TS. Đỗ Hồng Đức, Phó Hiệu trưởng - Phụ trách Trường; PGS.TS Bùi Thanh Hoa - Báo cáo viên và các giảng viên, sinh viên quan tâm đến chủ đề seminar. Về phía khách mời, có sự tham dự của ThS. Phùng Thị Bích Hạnh và các em học sinh đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn của tỉnh Sơn La.

Thay mặt Trường Đại học Tây Bắc, TS Đỗ Hồng Đức đã phát biểu gợi dẫn, chia sẻ về nội dung buổi seminar và chúc đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn sẽ đạt được kết quả cao tại kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia diễn ra vào ngày 5-6/1/2024.
Phát biểu đề dẫn seminar, TS. Trần Thị Lan Anh - Trưởng bộ môn Ngữ văn, Khoa Khoa học Xã hội khẳng định: “Nghệ thuật nói chung đều phản ánh cuộc sống con người nhưng mỗi ngành nghệ thuật có một chất liệu riêng: Hội họa dùng màu sắc, đường nét…, âm nhạc dùng âm thanh, tiết tấu…, điêu khắc dùng chất liệu: kim loại, đá, gỗ… còn văn học phải diễn tả bằng ngôn từ. Mỗi tác phẩm văn học phải được gắn liền với một thứ ngôn ngữ và văn tự (gốc) nhất định. Ngôn ngữ, văn tự là công cụ của nhà văn, nhà văn sử dụng ngôn từ để xây dựng hình tượng văn học. Vì thế, đọc sách hoặc phân tích thơ văn không được thoát li văn bản và ngôn từ. Tác phẩm có thể trở thành vốn liếng tinh thần quý báu của nhân loại hay không tuỳ thuộc vào nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật biểu hiện. Nghệ thuật văn chương là nghệ thuật sử dụng ngôn từ, tìm hiểu, khám phá và sáng tạo không ngừng để mỗi dòng, mỗi chữ viết ra đều được chắt lọc tinh tế, độc đáo đủ sức thuyết phục lòng người và lắng đọng lại với thời gian, cuộc sống...”

Ảnh 2: TS. Trần Thị Lan Anh phát biểu đề dẫn

Theo đó, báo cáo khoa học tại Seminar “Sự chế định của ngôn ngữ đối với văn chương” tập trung vào các nội dung:

  1. Khái niệm và đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ;
  2. Sự chi phối của ngôn ngữ với văn chương;
  3. Phân tích văn bản văn chương từ góc độ ngôn ngữ.

Với những nội dung trên, phần trình bày của PGS.TS Bùi Thanh Hoa được các giảng viên, sinh viên Khoa Khoa học Xã hội và đội tuyển học sinh giỏi hào hứng đón nhận trong suốt hai giờ đồng hồ. Theo đó, người tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi hữu ích và sôi nổi. Buổi seminar đã đem tới cho người nghe lượng thông tin giá trị, mới mẻ phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Có thể nói, buổi seminar đã diễn ra thành công tốt đẹp, những nội dung được trình bày đã gợi mở nhiều vấn đề thú vị, đồng thời gợi dẫn nhiều vấn đề mới đặc biệt trong việc giảng dạy văn học ở nhà trường.

Thời gian tới, Khoa Khoa học Xã hội sẽ tiếp tục triển khai những hội thảo, seminar có chất lượng khoa học để phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của sinh viên và công tác chuyên môn của giảng viên./.


Hình 3: Các đại biểu và khách mời chụp hình lưu niệm

Share for UTB